Dạo này đi đâu cũng thấy chủ đề Web 3.0 đang rất hot, đa số mọi người cũng giải thích rồi. Hôm nay mình cũng sẽ giải thích lại Web 3.0 một lần nữa, nhưng mình bổ sung thêm phần “ý nghĩa” của Web 3.0 đối với analytics.
Mình sẽ giải thích một cách rất “bình dân” và thuần về hướng người dùng cuối nhất có thể
Để hiểu được web 3.0, trước tiên chúng ta phải review lại web 1.0 và web 2.0 đã, chúng là gì ?
Table of Contents
Web 1.0 & Web 2.0
Web 1.0 và Web 2.0 nói tóm gọn lại chỉ đơn giản là các giai đoạn tự nhiên của phát triển web và ứng dụng mà chúng đa đang thấy ở hiện tại.
Web 1.0
Web 1.0 là giai đoạn sơ khai nhất của web, các bạn chỉ có thể đọc được thông tin, tiêu thụ thông tin một cách 1 chiều. Đó là cái thời mà chúng ta thường truyền tai nhau về những website bổ ích, hay ho có trên mạng ( mà thường phải nhớ địa chỉ ). Thường các bạn cũng không có nhiều cách để tương tác với các website này lắm, nếu muốn có bất kì thay đổi gì phải gọi điện thoại liên hệ trực tiếp chủ website trên phần “contact”. Như vậy đối với người dùng, chỉ có read được dữ liệu -> Web 1.0.
Web 2.0
Web 2.0 là giai đoạn tiếp theo khi chúng ta nhận ra trải nghiệm “chỉ đọc” không thực sự thú vị, vì nó chả khác gì đọc báo giấy cả. Để tăng trải nghiệm người dùng, các trang web dần tích hợp thêm tính năng “gửi” dữ liệu để hiển thị lên trang web.
Như vậy người dùng có thể vừa đọc, vừa gửi dữ liệu để thay đổi trang web, cũng như chia sẻ thông tin đến các người dùng khác.
Nghe đến đây chắc các bạn cũng đã mường tượng được các trang web như thế này rồi nhỉ, điển hình của web 2.0 là Facebook, Youtube, Twitter, hay thậm chí trang tuananalytic.com các bạn đang xem đây cũng là web 2.0. Tất cả các website hiện nay đều cho phép người dùng gửi và nhận dữ liệu cùng 1 lúc, 2 chiều.
Khúc mắc của Web 2.0
Các vẫn đề thực tiễn của Web 2.0
Web 2.0 tưởng chừng như là lời giải đáp cho tất cả những nhu cầu của chúng ta, cho tới khi sự thật về web 2.0 được phơi bày vài năm gần đây.
Web 2.0 ngày càng cho chúng ta thấy nó đã giúp tập trung lướng sức mạnh chính trị, truyền thông khổng lồ về một vài công ty công nghệ lớn. Sự tập trung quyền lực này tạo ra các vấn đề rất lớn và các bất ổn không ngờ tới trong xã hội.
Đơn cử như việc kiểm soát thông tin, đặt lợi nhuận lên hàng đầu trên lợi ích của xã hội và người dùng cùng những những vụ việc về facebook đã bị phanh phui dưới đây.
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/nguoi-phanh-phui-bi-mat-cua-facebook-tiet-lo-chan-dong-780153.html
Ngoài ra còn có vụ việc Twitter xóa hoàn toàn sự hiện diện của tổng thống Trump khỏi nền tảng Twitter, và Twitter tự áp đặt tiêu chuẩn cộng đồng của họ lên nước Mĩ mà không cần thông qua luật lệ gì. Đây gần như là hành động tước đi quyền tự do của một người, và một số người còn cho rằng nó vi hiến đối với Mĩ.
Ở góc độ người dùng chúng ta đã đưa thông tin cho các công ty công nghệ lớn, đã sử dụng dịch vụ của họ như những dịch vụ thiết yếu hằng ngày và tạo ra rất nhiều lợi nhuận cho họ. Đổi lại, các công ty web 2.0 lại kiểm soát thông tin, hạn chế sự tự do của các cá nhân, áp đặt tiêu chuẩn riêng của họ, tối đa hóa lợi nhuận bất chấp đạo đức. Điều này đi ngược lại hoàn toàn tinh thần tự do, rộng mở trước đây của internet ( giai đoạn 2000s ).
Chìa khóa của sự kiểm soát – Code Execution
Nhưng tại sao các công ty web 2.0 lại có thể làm được điều này? Tại sao big tech có thể kiểm soát nhiều đến như vậy? Điều này đến từ một chìa khóa chính đó là “khả năng thực thi” ( execution ).
Dù bạn, người dùng cuối đã có khả năng đọc và viết lên website rồi nhưng vẫn còn thiếu 1 mấu chốt đó là bạn không thể tự mình “thực thi” hay chạy các câu lệnh/ code để sử dụng dữ liệu bạn nhập vào được. Bạn phải hoàn toàn tin tưởng Facebook hay Youtube thực hiện việc này cho bạn.
Ví dụ, nếu bạn nhập một đoạn chat và gửi tin nhắn tới một người bạn (tên A), thì khi bạn nhấn nút gửi, bạn đang đặt niềm tin rằng facebook sẽ dùng tin nhắn đó của bạn nhập vào và gửi sang cho người bạn A và facebook không làm gì với tin nhắn này cả. Bạn không thể chủ động “thực thi” được lệnh gửi tin nhắn đó mà phải là facebook làm cho bạn vì bạn không có khả năng “execute” trên dữ liệu của chính bạn.
Như vậy, để gỡ mối tơ vò web 2.0, chúng ta cần phải tạo ra khả năng thực thi lệnh về cho người dùng cuối.
Web 3.0 và smart contracts, blockchain
Web 3.0
Đây là phần mà sẽ có liên quan smart contract và blockchain. Đối với web 3.0 chúng ta cần một hệ thống ở đó mà người dùng có thể tự do quyết định cách “thực thi” code trên dữ liệu mà họ nhập (write) và nhận (read) được. Đưa quyền sở hữu dữ liệu thực sự trở về tay người dùng cuối.
Dapp và smart contract
Blockchain và smart contract có thể thực hiện được việc này. Khi bạn sử dụng một Dapp ( Decentralized appication), bạn hoàn toàn không cần định danh (không cần tên tuổi account đăng kí), và chỉ khi bạn xác nhận về việc chạy “smart contract” thì dữ liệu đó mới có thể được đọc. Việc thực thi trên dữ liệu (execute code on the data) hoàn toàn được kiểm soát bởi chính bạn, không ông hay bà Facebook nào có thể can thiệp cả.
Ví dụ: Một mạng xã hội xây dựng dưới dạng 1 Dapp thì khi bạn like 1 bài post của ông A trên Dapp này, Dapp sẽ yêu cầu bạn xác nhận 1 “smart contract call” tới ví tiền ảo của bạn với thỏa thuận:
- Chạy code để +1 like cho bài post của ông A
- Gas phải trả để thực hiện hợp đồng vd: 100 gwei
Lưu ý: Gas là phí để thực hiện smart contract được tính theo đơn vị gwei, 1 gwei = 0,000000001 ETH. Nếu như ở web 2.0 chi phí thực hiện này được trả bằng tiền server của Facebook, Google, thì web 3.0 bạn trực tiếp trả bằng gas để chạy EVM (Ethereum Virtual Machine). Đối với các platform smart contract khác thì khái niệm có thể khác, mình sử dụng Ethereum ở đây vì hiện tại đây là platform tiêu chuẩn nhất.
Nhu vậy các bạn đã hiểu được sự liên đới giữa smart contract, blockchain và web 3.0. Ở mức độ người dùng cuối, chỉ cần hiểu cơ bản về smart contract và cách sử dụng ví tiền ảo là bạn đã có thể kiểm soát được từ đầu tới cuối việc thực thi code trên dữ liệu của bạn.
Điểm khác biệt giữa Dapp và App
Như bạn thấy trong ví dụ trên việc thực thi code để Dapp hoạt động tốn gas của bạn , vậy bạn sẽ thắc mắc “thế thì cũng chỉ là chạy code thôi có khác gì đâu?”.
Điểm khác biệt ở đây đó chính là các smart contract hoàn toàn độc lập và không bị kiểm soát trên blockchain. Chỉ khi nào bạn dùng gas “đốt” thì smart contract mới chạy trên EVM và hoàn trả kết quả hoàn toàn như những gì được code trên smart contract. Không có 1 ông facebook hay google nào có thể mở ra để xem tí dữ liệu của bạn được.
Tại sao nên dùng web 3.0
Một số lí do nên dùng web 3.0
- Không có quảng cáo/ hoặc nếu có cũng là do bạn chọn , và bạn có thể kiếm tiền từ xem quảng cáo ( Vì bạn nắm quyền execute việc xem quảng cáo này -> Không phải facebook )
- Bạn được xem nội dung không bị kiểm soát, không bị bôi xóa tẩy trắng với mục tiêu tối ưu lợi nhuận ( Như facebook đang làm hiện tại )
- Bạn có thể tham gia các chương trình tài chính phi tập trung ( defi ) không qua môi giới trung gian, không bị phí chồng phí
- Sự tự do tuyệt đối không bị kiểm soát phân biệt bởi vùng miền màu da sắc tộc, vì trên blockchain và dapp tất cả đều là 1 address.
Kết
Bài viết đã tương đối dài, mình xin tạm kết thúc tại đây sau khi đã giải thích khái niệm web 3.0 và nêu lên ví dụ trong thực tiễn. Mình sẽ tiếp tục loạt bài viết với Phần 2: Web 3.0 và ảnh hưởng tới analytics, mong các bạn đón đọc.